Hoạt động chính trị Tenzin_Gyatso

Đức Ðạt Lai Lạt Ma thứ 14, Jawaharlal Nehru, Chu Ân Lai tại Ấn Độ, 1956

Người Tây Tạng bầu giới lãnh đạo

Ðạt Lai Lạt Ma khuyến khích người Tây Tạng lưu vong hãy đi theo hệ thống dân chủ để bầu lên một nhà lãnh đạo, nói rằng đó là điều thiết yếu để theo kịp thế giới rộng lớn hơn và để bảo đảm sự liên tục của chính phủ của họ.

Trong một đoạn phim được chiếu cho hàng trăm nhà sư, ni cô và người thường tại thành phố Dharamsala núi non ở phía Bắc Ấn Ðộ vào chiều tối thứ Bảy, 20 tháng 6 năm 2009 nhà lãnh đạo nói hiện giờ không còn cần thiết phải đè nặng vai trò lãnh đạo tinh thần và chính trị lên một người.

"Các vị Ðạt Lai Lạt Ma đã giữ vai trò lãnh đạo thế tục và tinh thần từ 400 năm đến 500 năm qua. Ðiều đó có thể hầu như hữu ích. Nhưng thời kỳ đó đã qua," Ðạt Lai Lạt Ma nói trong đoạn phim, theo một biên bản đã được dịch cho giới báo chí. "Ngày nay, đối với toàn thể thế giới, rõ ràng nền dân chủ là hệ thống tốt nhất mặc dù có những khiếm khuyết nhỏ. Ðó là lý do tại sao người Tây Tạng cũng phải chuyển động cùng với cộng đồng thế giới rộng lớn hơn," ngài nói.

Trước đây Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đã đề nghị tùy người Tây Tạng quyết định về việc muốn duy trì định chế tinh thần sau khi ngài chết hay không, và có thể tổ chức một cuộc bầu cử trong số những người Tây Tạng ở nước ngoài. Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cũng có thể tự mình lựa chọn một người kế nghiệp từ các thành viên của chính phủ lưu vong của ngài, hoặc một hội đồng các lạt ma cao cấp sẽ chọn một người nào đó trong hàng ngũ của họ, loại bỏ sự thần bí của tiến trình lựa chọn truyền thống.

"Khi chúng ta đặt hết trách nhiệm vào con người của vị Ðạt Lai Lạt Ma, đó là điều nguy hiểm. Nên có một nhà lãnh đạo được bầu lên một cách dân chủ để cầm đầu một phong trào của dân chúng," ngài nói. "Trong thực tế, một sự thay đổi đang diễn ra về trách nhiệm của vị Ðạt Lai Lạt Ma trong tư cách một lãnh tụ thế tục và tinh thần. Theo tôi, điều này rất tốt. Một nhà lãnh đạo tôn giáo phải đảm nhận cả vai trò lãnh đạo chính trị, thời kỳ đó đã qua rồi," ngài nói.

Việc kế nghiệp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma là một vấn đề tế nhị khi ngài ngày càng lớn tuổi và sức khỏe suy giảm. Nhiều người Tây Tạng sợ rằng cái chết của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma, người đã sống lưu vong tại Ấn Ðộ kể từ khi trốn thoát một cuộc nổi dậy bất thành chống chế độ Trung Quốc vào năm 1959, có thể tạo ra một khoảng trống lãnh đạo mà Bắc Kinh có thể lợi dụng để siết chặt nắm tay của họ. Người Tây Tạng lưu vong đã bầu vị thủ tướng đầu tiên của họ vào năm 2001.

Vị thủ tướng lúc này, ông Samdhong Rinpoche, một nhà sư Tây Tạng và là một học giả Phật giáo, đã phục vụ hai nhiệm kỳ, và Ðức Ðạt Lai Lạt Ma thường nói ngài ở trong tình trạng "nửa về hưu" trong tư cách một lãnh tụ tinh thần, khi yêu cầu ông Rinpoche cầm đầu trong việc giao tiếp với người Tây Tạng. "Với cuộc bầu cử diễn ra mỗi năm năm, bất kể vị Ðạt Lai Lạt Ma có đó hay không, hệ thống chính trị lưu vong sẽ vẫn an toàn, ổn định và có thể tồn tại lâu dài," ngài nói trong đoạn phim được phát ngày 20/6.

Hợp tác toàn cầu trong cuộc khủng hoảng kinh tế

Ngày 2 tháng 8 năm 2009, Đạt-lại Lạt-ma kêu gọi có sự hợp tác toàn cầu để chống lại các hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế và tuyên bố rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu cho thấy rằng "trái đất của chúng ta quả thật là nhỏ" và kêu gọi các nước hãy có hành động kết hợp. Tuyên bố trước một hội nghị về khủng hoảng kinh tế được tổ chức tại Frankfurt, thường được mô tả là thủ đô tài chánh của nước Đức, Ðức Đạt-lại Lạt-ma nhấn mạnh tiếp, "Chúng ta cần phải suy nghĩ chung cho toàn cầu." Ông cũng tiếp thêm rằng chúng ta cần các biện pháp khẩn cấp để đối phó với tình trạng ấm toàn cầu và xóa sự cách biệt giữa người giàu và kẻ nghèo. Lên tiếng trước một cử tọa đông đến nhiều ngàn người tập trung tại một sân bóng tròn, Ðức Đạt-lại Lạt-ma nhấn mạnh rằng, "Chúng ta không cần chỉ nói hay, mà trái lại chúng ta cần phải có hành động." Từ khi bỏ quê hương chạy đi lánh nạn năm 1959, vị lãnh đạo tinh thần này đã tham gia vào hội nghị về cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu này do một số nhóm đứng ra tổ chức, trong đó có hội Phật giáo Ðức.

Chuyến đi đến Arunachal Pradesh

Ngày 5 tháng 11 năm 2009, Ấn Ðộ ban hành một lệnh có hiệu quả cấm các nhà báo ngoại quốc tường thuật chuyến đi hiếm hoi của Đạt-lại Lạt-ma 14 tới một chủng viện Phật giáo sát với Tây Tạng, trong một nỗ lực có vẻ nhằm xoa dịu sự giận dữ của Trung Quốc bằng cách giảm bớt việc tường thuật của báo chí về chuyến đi này. Cuộc viếng thăm theo dự tính của Sư vào ngày Chủ Nhật, 8 tháng 11, tới tiểu bang Arunachal Pradesh ở vùng Ðông Bắc Ấn Ðộ - trọng tâm của một cuộc tranh chấp biên giới từ lâu nay giữa Trung Quốc và Ấn Ðộ – làm gia tăng những căng thẳng vốn đã gay gắt giữa hai cường quốc châu Á.[3]

Người ngoại quốc di chuyển tới tiểu bang núi non hẻo lánh này cần giấy phép đặc biệt của chính phủ Ấn Ðộ. Hầu hết các nhà báo ngoại quốc đã không nhận được giấy phép để tường thuật chuyến viếng thăm của Đạt-lại Lạt-ma. Ngày 5 tháng 11 năm 2009, bốn nhà báo được cấp phép - kể cả hai nhân viên của thông tấn xã AP - bị thu hồi giấy phép. Một điện thư gởi tới các nhà báo nói chính quyền tiểu bang đã bãi bỏ các giấy phép theo lời yêu cầu của Bộ Ngoại giao. "Chúng tôi kinh ngạc và bất mãn khi biết rằng các giấy phép của các phóng viên để tới Arunachal Pradesh bị hủy bỏ trước khi có cuộc viếng thăm của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma," theo lời chủ tịch Câu lạc bộ Báo chí Ngoại quốc ở Tân Delhi, Heather Timmons. Các nhà báo Ấn Ðộ được phép tường thuật chuyến đi.[4]

Trung Quốc chống đối phần lớn các hoạt động của Đạt-lại Lạt-ma. Bắc Kinh cáo buộc ngài là tranh đấu để Tây Tạng thoát khỏi nền cai trị của Trung Quốc, mặc dù ngài phủ nhận điều đó. Mặc dù các quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Ðộ đã cải thiện trong những năm cuối thập niên 2000, những căng thẳng gần đây lại bùng lên vì những kình chống về kinh tế, vụ tranh chấp biên giới vẫn còn âm ỉ và tình trạng bất ổn tại Tây Tạng - vùng Himalaya do Trung Quốc kiểm soát, nằm trên biên giới với Ấn Ðộ.[5]

Vào đầu tháng 11 năm 2009, Trung Quốc mạnh mẽ chống đối các kế hoạch của Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nhằm trải qua năm ngày tại một chủng viện Phật giáo ở thành phố Tawang gần đường biên giới bị tranh chấp. Trước đó, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói Trung Quốc đang chính trị hóa quá đáng những chuyến đi của ngài, và nói thêm rằng những quyết định của ngài về những nơi viếng thăm có tính cách tinh thần, không phải chính trị.[6]

Các tín đồ Phật giáo ngày 8 tháng 11 năm 2009, vui mừng đón tiếp Sư quay trở lại thị trấn ở rặng núi Himalaya nơi ngài lần đầu tiên đặt chân tới năm thập niên trước khi trốn chạy chế độ cộng sản Trung Quốc thống trị Tây Tạng - một cuộc viếng thăm hiếm thấy gần nơi quê nhà khiến Bắc Kinh vô cùng giận dữ. Sự hiện diện của đức Ðạt Lai Lạt Ma hơn đây cũng tạo thêm sự chú ý về cuộc tranh chấp biên giới giữa Ấn Ðộ và Trung Quốc, cho thấy sự nhạy cảm của Bắc Kinh về vấn đề Tây Tạng và nêu lên câu hỏi là ai sẽ thay thế Ðạt Lai Lạt Ma trong vị trí lãnh đạo tinh thần sau này.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nói chuyến đi này "một lần nữa cho thấy con người thật của ông ta là chống Trung Quốc". Tuy nhiên, Ðức Ðạt Lai Lạt Ma nói rằng lời cáo buộc này là vô căn cứ" và ngài chỉ tìm cách khuyến khích các giá trị tôn giáo, hòa bình và hòa hợp. "Cuộc viếng thăm của tôi nơi đây không có tính cách chính trị," ngài nói sau khi vừa đến nơi vào sáng 8 tháng 11.

Ðối với dân chúng ở Tawang, cuộc viếng thăm này có vẻ hoàn toàn có tính cách tôn giáo. Hai bên đường trong thị trấn rợp cờ và biểu ngữ chào mừng Ðạt Lai Lạt Ma và hàng ngàn người đứng ngoài bầu trời lạnh lẽo gió mạnh để tham gia vào các buổi cầu nguyện và thuyết giảng Phật giáo của ngài. Người hành hương lũ lượt kéo đến nơi này bằng đủ mọi cách, chen chúc nhau trên các xe vận tải hay đi bộ mất mấy ngày trên đường mòn ngoằn ngoèo ở dãy Hymalaya để được nghe tiếng nói của người mà họ cung kính coi là Phật sống. Chính quyền địa phương, có khoảng 25.000 người hiện diện, dựng lên một khu lều cho người hành hương, trong khi các khách khác vào ở nhờ trong các tu viện và nhà khách.

Tawang là nơi sinh sống của bộ lạc Monpa, vốn có mối liên hệ chặt chẽ với thủ phủ Lhasa ở Tây Tạng. Vị Đạt-lại Lạt-ma đời thứ sáu đến từ nơi này hồi thế kỷ 17 và Trung Quốc lo ngại rằng nếu vị Đạt-lại Lạt-ma kế tiếp xuất hiện ở khu vực này thì sẽ ra ngoài sự kiểm soát của Bắc Kinh.

Chuyến đi tới Liên bang Nga

Năm 1971, ngài đã có chuyến đi lịch sử tới Liên Xô, và được giới chức trách Liên Xô chào đón. Nhưng ngài cũng không phải là người được lòng lúc đó do tư tưởng cộng sản ở Nga thời kì đó. Nhưng vì chia rẽ Trung-Xô thời gian đó rất căng thẳng, nên Lạt Ma tin rằng Nga sẽ đứng ra che chở cho Tây Tạng.

Khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Sư đã đến Nga một năm sau đó. Tại đây, ngài đã được Tổng thống Boris Yeltsin chào đón nồng hậu ở vùng Kavkaz. Tại đây, Đạt Lai Lạt Ma đã yêu cầu Nga "bảo vệ truyền thống Phật giáo" ở Kalmykia, TuvaBuryatia, đặc biệt sư rất nhấn mạnh đến Kalmykia, khi nhà nước Phật giáo thuộc Nga này lại giáp biên giới hoặc rất gần với các quốc gia Hồi giáo rất cực đoan như Dagestan hoặc Chechnya. Vào năm 2004 và năm 2012, Tổng thống Vladimir Putin đã mời Sư tới Kalmykia, và Sư đã được Tổng thống Putin chăm sóc chu đáo tại đây. Nó đã vấp phải sự phản đối của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, khi Trung Quốc vẫn cáo buộc Sư là "phần tử khủng bố và ly khai" ở Khu tự trị Tây Tạng.

Tiếp xúc Đông Tây

Đạt-lại Lạt-ma đàm luận với tổng thống Bush, 23.05.2001

Từ năm 1967, Đạt-lại Lạt-ma đã khởi hàng loạt chuyến viếng thăm, đến nay đã được 46 quốc gia. Vào mùa thu năm 1991, Sư đến thăm vùng Baltic khi nhận được lời mời của Tổng thống Litva, ông Vytautas Landsbergis, và Sư đã trở thành vị khách ngoại quốc đầu tiên đọc diễn văn tại quốc hội của Litva. Sư đã gặp Giáo hoàng Paul VI tại Vatican vào năm 1973 và Giáo hoàng John Paul II vào năm 1980 tại Roma và các năm khác là 1980, 1982, 1986, 1988 và 1990. Khi viếng thăm một ngôi trường ở Nam Đầu đã bị đất chuồi tiêu hủy trong cơn bão Morakot đầu tháng 8/2009, Tổng thống Ðài Loan Mã Anh Cửu bất ngờ công bố chính phủ ông đồng ý cho Ðức Ðạt Lai Lạt Ma viếng thăm nạn nhân bão, mặc dù điều này có thể khiến Trung Hoa lục địa nổi giận. Bão Morakot làm thiệt mạng 670 người ở Đài Loan. Các viên chức địa phương đã mời Ðức Ðạt Lai Lạt Ma đến viếng thăm. Hành động này của Ðài Loan đã diễn ra trong lúc mối quan hệ giữa Ðài Loan và Trung Quốc đang thân thiện hơn.

Đạt-lại Lạt-ma rất quan tâm, dành thời gian tới thăm và có những buổi nói chuyện với cộng đồng người Mỹ gốc Việt[7][8].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tenzin_Gyatso http://www.tuvienquangduc.com.au/Danhnhanthegioi/4... http://dalailama.com/ http://www.dalailama.com/news/post/430-dalai-lama-... http://timesofindia.indiatimes.com/india/Dont-poli... http://www.ocregister.com/articles/dalai-719762-la... http://www.ocregister.com/articles/temple-716097-d... http://quangduc.com/a22229/duc-dat-lai-lat-ma-vi-s... http://www.quangduc.com/quocte/01pgkhaptg3-datlail... http://in.reuters.com/article/topNews/idINIndia-43... http://www.thaindian.com/newsportal/uncategorized/...